Anh Hùng bên sản phẩm xe rùa |
Anh là cựu chiến binh Trần Văn Hùng, sinh năm 1970 tại Bắc Giang. Vào thời điểm đất nước còn muôn vàn khó khăn trong những ngày đầu đổi mới, biên cương còn chưa yên bình, chàng trai Bắc Giang ấy đã tòng quân gia nhập lực lượng Bộ đội Biên phòng, đóng quân nơi biên giới cực bắc của tỉnh Hà Giang. Sau nhiều năm canh giữ biên cương, anh phục viên với quân hàm Thượng sĩ.
Trở về quê hương, đối diện với cảnh nghèo đói hiển hiện qua từng bữa ăn, anh Hùng đã quyết định tìm hướng đi cho riêng mình. Năm 1992, anh xin vào học tại Trường Công nhân kỹ thuật 1, chuyên ngành hàn. Sau khi ra trường, anh đã xin việc nhiều nơi nhưng khi đó các nhà máy công xưởng đang lâm vào tình trạng khó khăn đã khiến anh không thể xin được việc làm.
Tấm bằng thợ hàn đành phải cất trong ngăn tủ, anh Hùng trở về quê hương xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, quay về với nghề nông cấy lúa, trồng màu trên đồng đất ông cha để lại.
Trăn trở với những kiến thức đã được học, anh quyết tâm vay mượn họ hàng, bạn bè mua được một chiếc máy hàn. Lúc đầu anh hàn cuốc, xẻng bị hỏng của gia đình rồi hàn dụng cụ lao động bị hư hỏng cho bà con làng xóm.
Robot hàn tự động được anh Hùng áp dụng trong sản xuất |
Trong quá trình làm vườn, anh thấy việc đào hố trồng cây hay san lấp đất phải gánh bằng quang gánh vô cùng vất vả, từ đó anh mầy mò tạo ra chiếc xe một bánh có tay đẩy đầu tiên để vận chuyển đất. Trong quá trình sử dụng, anh luôn cải tiến chiếc xe của mình, đặc biệt là phần bánh xe và tay đẩy để có thể đẩy đi trên mọi địa hình, mọi khu vực một cạnh nhẹ nhàng, không bị rơi rớt đồ.
Khi đó, chưa ai gọi chiếc xe của anh là xe rùa mà thường gọi là “xe đẩy” hay “xe cút kít” có hàm ý trêu đùa là nó như chiếc xe đồ chơi của trẻ con. Vậy nhưng hiệu quả của chiếc xe do anh tạo nên đã sớm được khẳng định bởi người dân trong thôn, bởi họ nhận ra sự tiện dụng và hiệu quả của trong quá trình làm việc. Khoảng năm 1997, anh bắt đầu gò, hàn và bán những chiếc xe rùa đầu tiên cho bà con làng xóm.
Xe của anh sản xuất ra đến đâu bán hết đến đấy. Vậy là từ đó anh chuyên tâm sản xuất chiếc xe đơn giản nhưng “đa năng” này bán ra thị trường. Đầu tiên là anh gửi bán ở những cửa hàng cơ khí trong huyện, rồi anh mua được một chiếc xe gắn máy Simson để chở xe rùa về các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương để chào hàng.
Áp dụng công nghệ hiện đại giúp anh Hùng sản xuất xe rùa hàng loạt |
Lúc đầu, các cửa hàng cơ khí không nhận bán xe cho anh bởi nó to, cồng kềnh so với các mặt hàng kìm, búa, cuốc, xẻng… Anh nghĩ ra cách mỗi cửa hàng anh ký gửi hai xe rùa, một chiếc để bán, một chiếc dành cho chủ cửa hàng để những mặt hàng, dụng cụ cơ khí nhỏ gọn, có thể đẩy xe ra ngoài cửa trưng bày buổi sáng, buổi tối lại đẩy vào trong nhà để cất.
Chiếc xe do anh sáng chế một lần nữa lại phát huy tác dụng đối với những cửa hàng bán dụng cụ cơ khí phục vụ nông nghiệp, họ nhiệt tình giới thiệu với khách hàng về công dụng của nó. Một đồn mười, mười đồn trăm, xe rùa từ đó ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích vì độ giản tiện cùng công năng cao mà nó mang lại.
Đơn hàng khắp nơi dồn về, anh Hùng quyết định mở rộng xưởng sản xuất tại nhà để bắt tay vào sản xuất hàng loạt.
Vào những năm 2014-2015, xưởng của anh mỗi ngày sản xuất được hàng trăm chiếc xe rùa bán ra thị trường. Tuy nhiên việc sản xuất ngày càng gặp nhiều khó khăn bởi đa phần anh vẫn dùng phương pháp thủ công gò, hàn là chính, chưa có máy móc hiện đại hỗ trợ.
Anh Hùng nhớ lại thời điểm đó: “Nhu cầu thị trường khi đó rất lớn nhưng mình lại không có tiền để mua máy móc hỗ trợ. Bao nhiêu tiền bán hàng mình đều mang đi mua máy cơ khí để mang về nghiên cứu cải tiến nó, dùng áp dụng vào sản xuất xe rùa. Thấy cái máy cơ khí nào có khả năng áp dụng, mình lại vay tiền để mua về cải tiến. Mày mò ngày đêm, những chiếc máy của mình sáng chế và cải tạo đã bước đầu giúp sản lượng sản xuất xe rùa “bứt tốc”… bước đầu công nghiệp hóa để có thể sản xuất xe rùa hàng loạt.”
Anh Trần Văn Hùng luôn say mê nghiên cứu, cải tiến và cho ra các mẫu xe rùa mới |
Năm 2016, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và huyện Tân Yên đã đến thăm mô hình xưởng sản xuất xe rùa của anh Hùng. Sau khi nghe anh báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, người dẫn đầu đoàn công tác đã động viên anh mở rộng quy mô, xây dựng hồ sơ dự án mở nhà máy sản xuất xe với quy trình ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để đạt hiệu suất cao. Được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền các cấp, sự ủng hộ, trông chờ của nhiều khách hàng và sự đồng hành của gia đình, bè bạn…, anh thành lập Công ty TNHH cơ khí Hùng Thảo và xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang bị máy móc để phát triển sản xuất.
Từ đó, nhà máy của anh sản xuất hàng nghìn chiếc xe rùa bán ra thị trường mỗi tháng và trở thành doanh nghiệp chuyên sản xuất xe rùa lớn nhất và duy nhất cả nước. Nhiều đơn vị phân phối hàng hóa đã tìm đến anh đặt hàng, trong đó có nhiều khách hàng người nước ngoài. Đồng thời, các khách hàng sau khi thăm nhà máy cũng đã đặt hàng nhiều mặt hàng gia dụng khác, chủ yếu là các loại giá đỡ và kệ kê trong siêu thị.
Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt lớn đầu tiên khi một doanh nghiệp từ nước Mỹ đã ký hợp đồng mua của anh gần 1 triệu USD xe rùa, phụ kiện xe rùa và một số giá kệ kê trong siêu thị. Chiếc xe container chở hơn 1 nghìn chiếc xe rùa lần đầu ra cảng để vượt đại dương sang trời tây đã mở ra một hướng phát triển mới đối với công ty của anh và cả “thương hiệu” xe rùa “Made in Viet Nam”.
Nhiều máy cơ khí hiện đại được anh Hùng trang bị cho sản xuất. |
Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt lớn đầu tiên khi một doanh nghiệp từ nước Mỹ đã ký hợp đồng mua của anh gần 1 triệu USD xe rùa, phụ kiện xe rùa và một số giá kệ kê trong siêu thị. Chiếc xe conterner chở hơn 1 nghìn chiếc xe rùa lần đầu ra cảng để vượt đại dương sang trời tây đã mở ra một hướng phát triển mới đối với công ty của anh và cả “thương hiệu” xe rùa “Made in Viet Nam”.
Không giấu niềm vui thành công, anh Hùng chia sẻ, hiện giờ nhà máy đã có thể chủ động sản xuất xe rùa ở tất cả các công đoạn, linh kiện, cấu kiện lắp ráp xe cũng đã được những người thợ lành nghề chế tạo và sản xuất thành công theo dây chuyền đồng bộ, không còn phải mua bất cứ sản phẩm hoàn thiện nào của nước ngoài.
Trong quy trình sản xuất, điều anh tâm đắc nhất là tận dụng được những chiếc lốp xe máy thải loại thường bị vứt bỏ ra môi trường tự nhiên. Việc tái sử dụng lại lốp xe máy thải loại không chỉ giúp giá thành sản phẩm giảm đáng kể, mà điều quan trọng là đã góp phần tái tạo rác thải, giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả.
Tuy nhiên, việc tái sử dụng đó chỉ được áp dụng với sản phẩm quốc nội và được sự chấp nhận, ủng hộ của khách hàng. Còn với thị trường xuất khẩu thì lốp xe rùa được anh sản xuất mới. Hiện nay, công suất của nhà máy ước đạt trên 150 nghìn chiếc xe rùa một năm.
Anh Hùng vui mừng thông báo trong những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão, anh đã ký được hợp đồng trị giá hơn 500.000 USD cung cấp xe rùa và phụ kiện vào thị trường Mexico. Ra Tết sẽ có hai đoàn khách là bạn hàng từ Mỹ và từ Đức sang Việt Nam thăm nhà máy và nghiên cứu hợp tác làm ăn với công ty.
Làm việc tại nhà máy sản xuất xe rùa giúp nhiều gia đình có thu nhập khá giả. |
Trong quy trình sản xuất, điều anh tâm đắc nhất là tận dụng được những chiếc lốp xe máy thải loại thường bị vứt bỏ ra môi trường tự nhiên. Việc tái sử dụng lại lốp xe máy thải loại không chỉ giúp giá thành sản phẩm giảm đáng kể, mà điều quan trọng là đã góp phần tái tạo rác thải, giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả.
Để đáp ứng được nhu cầu sản xuất ngày càng tăng, anh cũng đã xây dựng Dự án nhà máy cơ khí chuyên sản xuất xe rùa và các mặt hàng gia dụng Hùng Thảo với quy mô sử dụng đất là hơn 4ha, tổng mức đầu tư là hơn 200 tỷ đồng và nhận được sự ủng hộ cao của tỉnh Bắc Giang. Nhà máy mới mang ý chí khát khao mới của người cựu chiến binh này dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2023.
Câu chuyện nhỏ về chiếc xe rùa của một cựu chiến binh đã mang lại nhiều hứng khởi và niềm hy vọng về một con đường mới đưa các mặt hàng do người Việt Nam chế tạo, sản xuất vươn ra thị trường quốc tế. Sự cần cù, kiên định và nỗ lực sáng tạo của người cựu chiến binh - doanh nhân Trần Văn Hùng đã được đền đáp xứng đáng. Đây cũng là tấm gương sáng cổ vũ, động viên cho tinh thần lao động hăng say sản xuất của thế hệ trẻ hôm nay.